Nguyên nhân Chiến_tranh_Israel–Hamas_2008-2009

Hamas chấm dứt ngưng bắn nhưng Gaza vẫn yên tịnh

Ngày thứ Sáu, 19 tháng 12 năm 2008, các nhóm Hồi giáo võ trang tại Gaza được đặt trong tình trạng báo động sau khi tuyên bố chấm dứt một thỏa hiệp ngưng bắn sau sáu tháng với Israel. Nhưng ngoài những lời lẽ phô trương, tình hình vẫn yên tĩnh, mặc dù ít nhất ba hỏa tiễn tự chế được phóng vào Israel. Những người Palestine đeo mặt nạ và mang súng trường AK-47 diễn hành trước các ống kính truyền hình ngay sau khi nhóm Hồi giáo Hamas, đang kiểm soát dải đất duyên hải này, đơn phương tuyên bố chấm dứt cuộc ngưng bắn.[41]

Vài ngàn người dân Gaza tụ tập tại thành phố Khan Younis ở phía Nam để ủng hộ nhóm Hồi giáo Jihad. Họ đốt hình nộm của Thủ tướng Israel Ehud OlmertTổng thống Hoa Kỳ George W. Bush cùng với cờ của IsraelHoa Kỳ. Ai Cập, nước đã đứng trung gian dàn xếp cuộc ngưng bắn vào tháng 6 năm 2008, không được yêu cầu can thiệp để gia hạn thỏa hiệp. Kể từ đầu tháng 11, thỏa hiệp trên thực tế hầu như mỗi ngày mỗi suy sụp, vì những cuộc đột kích của Israel nhắm vào các dân quân Hồi giáo và những trận mưa hỏa tiễn, phần lớn không có hiệu quả, từ Gaza bắn vào lãnh thổ Israel.[42]

Các nguồn tin quân sự Israel báo cáo một vụ nổ súng vào buổi sáng nhắm vào các công nhân trên các cánh đồng của một nông trại tập thể gần biên giới với Gaza. Không ai bị thương và không có hỏa lực bắn trả. Hai hỏa tiễn của Hồi giáo nổ trên đất Israel mà không gây thiệt hại gì.[43] Các tay súng Hồi giáo đeo mặt nạ đưa ra những lời tuyên bố truyền hình trước lễ cầu nguyện của người Hồi giáo vào ngày 19 tháng 12, cảnh cáo là sẽ có đổ máu nếu Israel tấn công.[44]

Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak của Israel minh định rằng ông không có kế hoạch mở bất cứ cuộc tấn công quan trọng nào nhắm vào Gaza, trừ phi có sự khiêu khích lớn, và muốn thấy cuộc ngưng bắn kéo dài. Ai Cập đã không nhận được lời yêu cầu nào để tái lập thỏa hiệp ngưng bắn. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cũng bênh vực chính sách của Ai Cập khi giới hạn sự di chuyển ngang qua trạm biên giới Rafah, lối ra vào duy nhất của Gaza không hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của Israel.

Wikinews có tin tức ngoại ngữ liên quan đến bài: Hamas ends truce with Israel

Một số cư dân Palestine ở Gaza, khoảng 1,5 triệu, những người trong cậy vào đồ tiếp tế qua những đường hầm bất hợp pháp từ Ai Cập trong khi Israel tiếp tục khóa kín các đường biên giới, cảm thấy cuộc ngưng bắn là một trò bịp bợm. "Có hay không có thỏa hiệp, tình trạng cũng vậy. Người Do Thái dù sao cũng không mở cửa những trạm biên giới. Nếu không có các đường hầm chúng tôi sẽ không có gì để mua hoặc bán," một người dân ở Gaza nói.

Tại Sderot ở miền Nam Israel, nơi thường hứng chịu những đợt phóng hỏa tiễn từ Gaza, người dân cảnh giác nhưng sự cảnh giác không hơn bất cứ ngày nào khác trong tháng vừa qua. "Dĩ nhiên chúng tôi lo ngại, nhưng chúng tôi không thể làm được gì," theo lời một cư dân ở Sderot.[45]

Palestine tiếp tục pháo kích vào Israel

Ngày 24 tháng 12 năm 2008, thứ Tư, phía Palestine trong khu vực dải Gaza tiếp tục pháo kích vào vùng phía Nam Israel, gây thêm sự hoảng sợ cho dân chúng và gây thêm trở ngại cho các nỗ lực ngoại giao nhằm làm sống lại một thỏa ước ngưng bắn. Không một người Israel nào bị thương trong các vụ pháo kích bằng hỏa tiễn và súng cối này. Phía Gaza bất ngờ bị thiệt hại khi chất nổ bất ngờ kích hỏa và đạn lạc làm hai tay súng Palestine thiệt mạng và ba thường dân bị thương. Một trong những người bị thương làm việc cho một cơ quan hòa giải quốc tế.

Hamas, tổ chức dân quân Hồi giáo kiểm soát dải Gaza, nói rằng việc pháo kích là để trả đũa cái chết của ba dân quân bị giết trong cuộc chạm súng với quân đội Israel vào chiều tối ngày 23 tháng 12 năm 2008. Phía Israel nói các tay súng thuộc lực lượng Hamas đã tìm cách đặt chất nổ dọc theo bờ tường biên giới Gaza.

Khoảng 60 trái hỏa tiễn và đạn súng cối rơi xuống khu vực Nam Israel vào trưa ngày 24 tháng 12. Không ai bị thương trong các đợt pháo kích vừa qua, nhưng một cơ xưởng, một căn nhà và một vài nơi khác bị thiệt hại. Hỏa tiễn bắn tới Beit Hagdi, một cộng đồng nhỏ, nằm cách Thành phố Gaza khoảng 20 cây số. Một người dân ở Ashkelon, nằm cách biên giới Gaza chừng 17 cây số, "đã nghe tiếng báo động, rồi tiếng rít của hỏa tiễn khi bay đến gần, sau đó là một tiếng nổ lớn."

Một quả hỏa tiễn rơi ngay vào một căn nhà trong cộng đồng Tkuma chỉ vài giây sau khi người cha đưa các con từ phòng khách chạy vào hầm trú ẩn. Trong khi đó tại Gaza, các viên chức y tế nói Iyad Dremly, một luật sự Palestine làm việc cho Trung tâm Hòa giải Palestine bị thương trầm trọng khi một vụ nổ xảy ra trong tòa nhà hai tầng nơi ông ở tại Thành phố Gaza. Dân quân Hamas bắn hỏa tiễn và súng cối từ khu vực này, nhưng phía quân đội Israel không bắn trả, cho thấy vụ nổ gây ra bởi chất nổ bị kích hỏa bất ngờ.

Hai thường dân khác bị thương khi một quả hỏa tiễn rơi vào căn nhà khác cách đó vài cây số trong vùng Beit Lahiya. Trước lúc rạng sáng, hai dân quân Hamas thiệt mạng ở vùng Nam Gaza khi đang chuẩn bị gài chất nổ. Trước khi có cuộc leo thang bạo động này, phía Israel đồng ý sẽ mở đường cho xe vận tải đưa một số lượng giới hạn thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu vào Gaza. Nhưng sau cuộc pháo kích, quân đội Israel nói rằng điều này sẽ không được thực hiện.

Israel đã thi hành cuộc phong tỏa Gaza kể từ khi cuộc ngưng bắn thỏa thuận ngày 19 tháng 6 năm 2008 bắt đầu bị vi phạm sáu tuần lễ trước đó và chỉ cho phép một số lượng nhỏ nhu yếu phẩm vào khu vực này. Phía Ai Cập cũng khóa chặt cửa biên giới với vùng Gaza. Các biện pháp phong tỏa này làm tăng sự khổ sở của khoảng 1,4 triệu dân ở Gaza. Họ phải tìm cách đối phó bằng cách đưa hàng hóa vào vùng này qua các đường hầm đào xuyên biên giới Gaza và Ai Cập. Tuy đang có những nỗ lực ngoại giao để giải quyết tình hình, phía Israel đã chuẩn bị để mở cuộc hành quân lớn vào Gaza.

Giới lãnh đạo Israel chấp thuận cuộc hành quân này nhưng ngần ngại chưa muốn thi hành vì cuộc tấn công sẽ gây ra tổn thất nhân mạng nặng nề ở cả hai phía. Các cuộc tấn công trước đây đã không ngăn được các vụ pháo kích và các giới chức chính trị cũng như quốc phòng đều lo ngại rằng chỉ trừ phi tái chiếm đóng Gaza mới giải quyết được các vụ pháo kích này.

Israel mở cửa các trạm biên giới ở Gaza

Vào thứ Năm, 25 tháng 12 năm 2008, Ngoại trưởng Tzipi Livni của Israel thảo luận về cuộc khủng hoảng với Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập. Ông Mubarak kêu gọi cả hai bên hãy tự chế. Trong khi đó, ông Olmert xuất hiện trên một kênh truyền hình Ả Rập, thúc giục người dân Gaza hãy bác bỏ những người cai trị Hồi giáo của họ và ngưng những vụ tấn công bằng hỏa tiễn. Ông nói đó là một lời kêu gọi vào phút chót và nói ông sẽ không ngần ngại sử dụng quân đội Israel nếu cần.

Ngày thứ Sáu 26 tháng 12 năm 2008, Israel mở cửa trở lại những trạm băng ngang biên giới với Gaza, một ngày sau khi Thủ tướng Ehud Olmert cảnh cáo các dân quân Hamas rằng họ phải ngưng những vụ bắn hỏa tiễn nếu không muốn phải trả một giá nặng nề. Khoảng hơn một chục hỏa tiễn và đạn súng cối đã từ Gaza bắn vào Israel. Một trái vì rủi ro đã rơi trúng một căn nhà ở Gaza, giết chết hai chị em người Palestine, 5 tuổi và 13 tuổi, và làm bị thương một người thứ ba.

Trạm biên giới Erez, con đường thông thương chính giữa Israel và Gaza, bị đóng sau khi hai đạn súng cối rơi xuống khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak của Israel ra lệnh mở cửa các trạm biên giới ở Gaza cho các đồ tiếp tế nhân đạo thiết yếu để đáp lại những lời yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Các công nhân Palestine tại các trạm biên giới nói nhiên liệu đã tới nhà máy phát điện chính của Gaza, nơi những thiếu hụt đã đưa tới những vụ cúp điện định kỳ.

Israel cũng cho phép một người đàn ông Palestine được tới một bệnh viện Israel để điều trị một thương tích sau khi một hỏa tiễn của dân quân đánh trúng căn nhà của ông ở Gaza trước đó vài ngày. Gaza đã nằm dưới sự phong tỏa của Israel kể từ khi Hamas chiếm quyền kiểm soát vào năm 2007. Nội các Israel dự trù sẽ thảo luận vào ngày 28 tháng 12 năm 2008 về một quyết định của Ủy ban an ninh để đánh trả các dân quân, khởi sự với những cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu Hamas.

Israel đã rút các lực lượng quân đội và người định cư ra khỏi Gaza vào năm 2005 và không muốn tái chiếm dải đất duyên hải này.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Israel–Hamas_2008-2009 http://www.news.com.au/perthnow/story/0,21498,2494... http://www.swissinfo.ch/eng/politics/foreign_affai... http://www.adnkronos.com/AKI/English/Security/?id=... http://edition.cnn.com/2009/WORLD/meast/01/10/isra... http://www.cnn.com/2009/WORLD/meast/01/03/gaza.rea... http://www.google.com/hostednews/ap/article/ALeqM5... http://www.google.com/hostednews/ap/article/ALeqM5... http://www.google.com/hostednews/ap/article/ALeqM5... http://www.haaretz.com/hasen/spages/1050432.html http://www.haaretz.com/hasen/spages/1052228.html